NGÀNH BÁO CHÍ

Về nghề báo, nhiều người cho rằng nó xuất phát trước tiên từ một nhu cầu chung của nhân loại. Đó là nhu cầu thông tin. Hãy tưởng tượng, mỗi ngày, khi thức giấc đón chào ngày mới, hầu như ai cũng có chung một câu hỏi: “Hôm nay có gì mới?”. Mọi người đều có nhu cầu được thông tin nhanh nhất. Chính nhà báo sẽ là người làm thỏa mãn nhu cầu ấy.

Tốt nghiệp ngành Báo chí, bạn còn có thể làm nhiều nghề khác. Chẳng hạn, bạn có thể làm biên tập viên tại các nhà xuất bản, nhân viên quảng cáo, nhân viên marketing, nhân viên phát hành… Nếu muốn trau dồi thêm kiến thức, bạn có thể tiếp tục học cao hơn với bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở trong hoặc ngoài nước. Bạn cũng có thể trở thành nhà nghiên cứu báo chí – truyền thông tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, hoặc làm việc cho các cơ quan quản lý báo chí từ trung ương tới địa phương.

Triển vọng nghề báo

Bạn có thể trở thành phóng viên, biên tập viên làm việc tại các tòa soạn báo in, báo điện tử, các đài truyền hình, đài phát thanh. Hiện cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh truyền hình từ trung ương tới địa phương. Các cử nhân ngành Báo chí có khả năng thực hiện các chức trách phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình; làm cán bộ nghiên cứu – giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông; làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lí thông tin báo chí hoặc thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lí luận và kĩ năng nghiệp vụ báo chí; làm chuyên viên tại các công ty truyền thông, làm nhân viên truyền thông, quan hệ công chúng (PR) và nhiều vị trí liên quan khác.

Nghề báo

Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ của nhà báo là cung cấp thông tin nhanh nhất về tất cả những sự kiện mới, có ý nghĩa chính trị – xã hội tới công chúng.

Những công việc chính của người làm báo:
  • Sản xuất tin tức: phát hiện, khai thác thông tin, phỏng vấn, chụp ảnh, quay hình.
  • Dựng tin bài: Tổ chức các dữ liệu thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
  • Biên tập: Chỉnh sửa, tra cứu, thẩm định, bổ sung và hoàn thiện tác phẩm
  • Tổ chức nội dung: Tất cả những tác phẩm  được duyệt sẽ được sắp xếp thành một chỉnh thể rồi được dàn trang, đem đi in (đối với báo in); xuất bản trên mạng (đối với báo điện tử); hoặc sắp xếp, đưa vào lịch phát sóng (đối với phát thanh, truyền hình).
Những tố chất nào cần cho người làm báo?
  • Trung thực;
  • Ưa hoạt động, tìm tòi, khám phá;
  • Khao khát thông tin và truy tìm sự thật;
  • Khả năng viết, nói, khả năng nắm bắt và có năng khiếu tổ chức thông tin;
  • Quan tâm sâu sắc tới những vấn đề của đời sống chính trị – xã  hội;
  • Kiên trì, không nản lòng khi gặp khó khăn;
  • Phẩm chất chính trị trong sáng, vững vàng.